QPTD -Thứ Ba, 19/12/2017, 14:32 (GMT+7)
Giá trị của “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” đối  với công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - mốc quan trọng đưa đến sự ra đời “đội quân đàn anh”1 của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Chỉ thị không những hiện thực hóa tư tưởng của Người về “tổ chức ra quân đội công nông”do Đảng lãnh đạo mà còn có giá trị sâu sắc đối với công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội ta.

Để chớp “thời cơ ngàn năm có một” của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta chủ trương chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Do vậy, việc xây dựng “Đội quân chủ lực”2 nhằm “tập trung lực lượng”3, làm nòng cốt cho “cuộc khởi nghĩa của toàn dân”4 vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài. Vì thế, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời là một tất yếu, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam trước diễn biến ngày càng mau lẹ của tình hình thế giới và Đông Dương từ giữa năm 1944. Với hơn 300 từ, văn phong súc tích, Chỉ thị là một Cương lĩnh quân sự của Đảng, đề ra những vấn đề cơ bản về nguyên tắc, phương châm:“tập trung lực lượng”, dựa vào“vũ trang toàn dân”5 để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; chỉ ra nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, nghệ thuật tác chiến: “laivô ảnh, khứ vô tung”6 của “lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực”7,… mà còn là tiền đề lý luận xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị - “Chính trị trọng hơn quân sự”8. Đồng thời, là định hướng cho hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây đắp nên truyền thống, bản chất cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu và tính kỷ luật của Quân đội. Từ một đội quân với 34 chiến sĩ của ngày đầu thành lập, Quân đội ta từng bước lớn mạnh, trở thành lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Giá trị lịch sử và hiện thực của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đối với công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội ta, được thể hiện trên các nội dung cơ bản sau:

Một là, Chỉ thị đã tạo tiền đề cho việc thiết lập và giữ vững công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Để tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng, quân sự phải gắn liền chính trị, thực hiện và hoàn thành mục tiêu của cách mạng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là “đội tuyên truyền”9, nhiệm vụ chính trị của Đội là công tác tuyên truyền, nhằm xây dựng và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Đó cũng là định hướng cơ bản cho việc thiết lập, củng cố và giữ vững công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội: ở đâu có hoạt động của bộ đội, ở đó có công tác đảng, công tác chính trị. Đồng thời, xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị, quy định biên chế, tổ chức lực lượng cán bộ chính trị, cơ quan chính trị trong toàn quân; quyết định hiệu quả công tác tổ chức giáo dục, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho Quân đội. Đó cũng là việc xác lập hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Quân đội trong mối quan hệ với Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Không những vậy, Chỉ thị còn là cơ sở để Nhà nước ban hành các bộ luật, điều luật, pháp lệnh, chính sách, điều lệnh, điều lệ, quy chế lãnh đạo và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, phù hợp với sự phát triển của tình hình nhiệm vụ qua mỗi giai đoạn cách mạng.

Hai là, Chỉ thị là cơ sở để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong Quân đội ta. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là cách thức tổ chức, cơ cấu và các chế độ, quy định nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, quyết định mọi thắng lợi và trưởng thành của Quân đội ta. Vì thế, ngay từ khi ra đời, biên chế, tổ chức của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có chi bộ lãnh đạo, có chính trị viên chủ trì hoạt động công tác đảng, công tác chính trị bên cạnh người đội trưởng, nhằm giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, lòng căm thù thực dân, phong kiến; tổ chức sinh hoạt chính trị để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và biểu dương gương chiến đấu dũng cảm, đề cao dân chủ, đoàn kết nội bộ,… cùng với người đội trưởng hiện thực hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng đối với Đội. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong Quân đội.

Thực tiễn cho thấy, quá trình hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta, từ những định hướng của Chỉ thị đến Nghị quyết 07, Nghị quyết 27 và hiện nay là Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” là sự tiếp nối và phát triển liên tục. Nhờ đó, hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng luôn được xây dựng vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ tạo thành một chỉnh thể thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Ba là, Chỉ thị định hướng xây dựng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đội ngũ cán bộ có vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Cán bộ chịu trách nhiệm chủ yếu chăm lo xây dựng và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng con người và tổ chức trong Quân đội, bảo đảm cho mỗi quân nhân cách mạng nhận thức, hành động đúng đường lối chính trị của Đảng. Do vậy, trong quá trình xây dựng Quân đội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Người căn dặn cán bộ “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”10 và “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”11. Lời dạy của Người trở thành phương châm hành động trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Quân đội qua các thời kỳ.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặt ra yêu cầu rất cao và toàn diện đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội về chính trị, đảm bảo cho Quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Vì vậy, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực. Thực tiễn cho thấy, càng đẩy mạnh xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, càng hội nhập quốc tế thì yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và phát huy vai trò công tác đảng, công tác chính trị càng phải được đề cao. Vì vậy, cần tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, đẩy mạnh quán triệt, thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong tình hình mới”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng “vừa hồng, vừa chuyên”, có kiến thức toàn diện, bản lĩnh vững vàng trong hội nhập quốc tế, nhạy bén, sắc sảo, tinh nhuệ về chính trị và chỉ đạo thực tiễn; nâng cao năng lực hoạt động và phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu, vị thế chủ trì về chính trị trong các cơ quan, đơn vị; đấu tranh làm thất bại những mưu đồ “phi chính trị hóa” Quân đội.

Thực hiện tốt những nội dung trên, sẽ làm cho giá trị của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân luôn được khẳng định trong thực tiễn xây dựng Quân đội ta; đồng thời, làm cho vai trò của công tác đảng, công tác chính trị được phát huyvà nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới./.

Trung tá, ThS. VŨ VĂN TỰ, Cục Tuyên huấn
____________________

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 539.

2 - Sđd, tr. 539.

3 - Sđd, tr. 539.

4 - Sđd, tr. 539.

5 - Sđd, tr. 539.

6 - Sđd, tr. 539.

7 - Sđd, tr. 539.

8 - Sđd, tr. 539.

9 - Sđd, tr. 539.

10 - Sđd, Tập 7, tr. 217.

11 - Sđd, tr. 218.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết